Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Về việc thông qua Hiến pháp: Bài 1. Với thể chế chính trị của Việt Nam hiện hành thì nhân dân mới có quyền thông qua để ban hành Hiến pháp


Trước hết tôi xin nói về tư cách của mình. Tôi không là ai cả, tôi chính là nhân dân. Bản thân từ "nhân dân" đã bao hàm ý nghĩa của sự trừu tượng. Nếu tôi đưa ra đây một sự chính danh về cá nhân tôi thì vô hình chung tôi đã hạ thấp vai trò cũng như quyền lực của mình, vì khi ấy tôi chỉ là một công dân mà trong Hiến pháp hiện hành lại quy định rất rõ cái giới hạn trong khuôn khổ của đối tượng này, quan trọng hơn, nếu chỉ với tư cách là một công dân thì tôi không có được quyền lực của nhân dân – một thứ quyền lực theo đúng quy định của Hiến pháp của nước Việt Nam từ trước đến nay là quyền lực Nhà nước- quyền lực cao nhất của một Nhà nước pháp quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

Không bàn về bản Hiến pháp ra đời đầu tiên năm 1946, cũng chẳng nói đến chi tiết từng nội dung dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 vào năm 2013 đã được hòan thiện xong và đang được đặt trên bàn chỉ còn chờ các Vị đại biểu quốc hội ấn nút, tôi chỉ nói về bản Hiến pháp 1992 hiện đang có hiệu lực.

Vai trò và quyền lực của nhân dân trong Hiến pháp 1992 tại điều 2 quy định: “ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.”

Với quy định này thì Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước đặc thù tiên tiến nhất thế giới, bởi nó không giống ai, không phù hợp với  bất cứ khái niệm nào về Nhà nước hiện nay được xem như là một tổ chức chỉ ra đời khi có sự tồn tại của giai cấp trong xã hội, nhất là đối chiếu với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin- một hệ tư tưởng đang được sử dụng để thực hiện quyền lực của Nhà nước và làm cơ sở để xây dựng và phát triển mọi mặt của đất nước.

Trong Hiến pháp, từ “nhân dân” chưa được quy định rõ cách hiểu và khái niệm thì cách thông thường và phổ biến nhất mà ai cũng hiểu chính là "ngừời dân" ( chữ “nhân” đã được hiểu một cách chính xác nhất có nghĩa là “người”). Người dân dù là bất cứ ai, không phân biệt giai cấp, dân tộc, xuất thân, địa vị, học thức, sang hèn,… đều có được quyền lực cao nhất của Nhà nước do chính mình làm chủ. Và với tư cách là người dân, hay còn gọi là nhân dân thì tôi không bao giờ từ chối quyền lực cao nhất được Hiến pháp quy định cho mình và đương nhiên cái mà tôi- nhân dân phải bảo vệ- chính là bảo vệ Nhà nước này, bảo vệ chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa này để được có thẩm quyền cao nhất của một người dân bình thường, nhưng không bình thường khi có trong tay quyền lực tối cao của đất nước. 

Theo các khái niệm cơ bản và quy định của Hiến pháp hiện hành thì Nhà nước là tổ chức do giai cấp thống trị thành lập ra để phục vụ lợi ích cuả mình, và ở Việt Nam sự tiên tiến này thể hiện ở chỗ “không có giai cấp thống trị” mà quy định quyền lực hòan toàn thuộc vào nhân dân- Nhà nước do nhân dân thành lập ra. 

Còn Pháp luật là hệ thống những qui tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Nhà nước ban hành pháp luật để làm công cụ phục vụ mục đích của mình, trong đó Hiến pháp là văn bản quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật, được xây dựng và ban hành đầu tiên, có hiệu lực cao nhất để từ đó ban hành ra các Luật và các văn bản dưới Luật.  

Từ sự khái quát lại một cách đơn giản để những người bình thường nhất, ít hiểu biết nhất, thiệt thòi nhất cũng nắm rõ về vị trí, vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của họ là nhân dân đã cho thấy: quyền của một người dân Việt Nam là quyền xây dựng và ban hành Hiến pháp để phục vụ lợi ích của chính mình- lợi ích của nhân dân.

Quyền lực này được ghi trong Hiến pháp đó là quyền làm chủ đất nước, được quy định tại Điều 3 “ Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” 

Khi sử dụng quyền lực thì nhân dân thông qua cá nhân đại diện là các Đại biểu Quôc hội, tổ chức đại diện là Quốc hội đã được quy định tại Ðiều 6: “ Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Hiến pháp và pháp luật giữ vai trò điều chỉnh cơ bản đối với toàn bộ hoạt động Nhà nước và hoạt động xã hội, quyết định tính hợp hiến và hợp pháp của mọi tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước lại do nhân dân lập ra. Như vậy, theo đúng Hiến pháp quy định thì thẩm quyền cao nhất thông qua Hiến pháp phải thuộc về nhân dân.

Quá trình lấy ý kiến nhân dân đã thưc hiện vừa qua theo cách hiểu của tôi là quá trình xin ý kiến góp ý xây dựng Hiến pháp. Sau khi Ban soạn thảo hoàn thiện việc biên soạn, trình Quốc hội thông qua mới chỉ được coi là thông qua bản Dự thảo lần cuối. Khi và chỉ khi bản dự thảo được các Đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua mới được coi là đủ điều kiện để gửi xin ý kiến nhân dân thông qua trước khi ban hành.

Đó là cách hiểu của nhân dân chúng tôi chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành. Là lý do mà chúng tôi - nhân dân- có thể không góp ý bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trong năm, nhưng không có nghĩa là đã chấp thuận. Vì bản dự thảo gửi xin ý kiến nhân dân chưa được Quốc Hội chính thức thông qua, là bản dự thảo chưa đủ điều kiện nghiên cứu, xem xét chấp thuận khi nhiệm vụ xây dựng dự thảo chúng tôi đã phó thác cho các Vị đại biểu đại diện cho nhân dân và "khôn khéo" giữ lại cho mình quyền thông qua Dự thảo Hiến pháp trước khi ban hành.

Đơn giản là bây giờ dân trí đã được nâng lên, thì đòi hỏi đầu tiên của nhân dân là các Vị đại biểu của mình cũng cần phải thực hiện cho đúng luật ngay trong quá trình ban hành luật. Đây chính là tiêu chí đánh giá các Vị đại diện do chúng tôi tín nhiệm bầu ra có xứng đáng được tin tưởng để giao phó bảo vệ lợi ích của chúng tôi hay không? Nhất lại là khi những nội dung quy định trong bản Hiến pháp hiện hành vẫn đang còn có giá trị và hiệu lực pháp luật để chúng tôi thực hiện quyền lực Nhà nước cao nhất vì lợi ích của mình, lợi ích của chính nhân dân.

Không biết cách hiểu của tôi như thế đã đúng chưa? 


Bài tiếp theo sẽ đăng: 
- Bàn về cách sử dụng từ “dân” một cách thống nhất trong các quy định của Hiến pháp.
- Xung đột và mâu thuẫn lợi ích của nhân dân và các tổ chức chính trị ngay trong quy định của Hiến pháp như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét